TIẾP TỤC PHÁT HUY, NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH HIỆU QUẢ QUA LIÊN HOAN CÁC MÔ HÌNH VĂN HÓA TIÊU BIỂU THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Năm 2016, thành phố Cần Thơ lần đầu tiên tổ chức Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu qui mô cấp thành phố và đã tạo tiền đề tốt cho việc nâng chất các mô hình, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương. Năm nay, Liên hoan được tổ chức lần 2 với nhiều đổi mới và sự náo nức chuẩn bị của các quận, huyện.
Ban Giám khảo Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu thành phố Cần Thơ năm 2018 khảo sát thực tế và chấm điểm tại Nhà thông tin Khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Ảnh: Minh Trung

Phát huy hiệu quả của lần tổ chức đầu tiên, Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu thành Cần Thơ năm 2018 (viết tắt là Liên hoan) sẽ tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững. Liên hoan tạo điều kiện cho các địa phương giao lưu, học hỏi; phổ biến, nhân rộng các mô hình tiêu biểu; phát hiện những nhân tố mới, tích cực… làm cơ sở nghiên cứu, phát triển nội dung, hình thức các danh hiệu văn hóa đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Qua đó, chọn ra những mô hình tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng và tham gia các Liên hoan do cấp trên tổ chức.

Tham dự Liên hoan gồm có 9 mô hình: “Người tốt, việc tốt”, “Gia đình văn hóa”, “Ấp, Khu vực văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” hoặc “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn”, “Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp; Nhà thông tin khu vực”, “Phường, Thị trấn sạch rác”, “Tuyến đường văn minh đô thị”. Trong đó, mỗi quận, huyện đăng ký tham gia 2 mô hình “Người tốt, việc tốt” và 2 mô hình “Gia đình văn hóa”; 7 nội dung còn lại, mỗi nội dung chỉ được đăng ký 1 mô hình. Tổng cộng có 91 mô hình đăng ký tham gia Liên hoan.

Theo kế hoạch, các mô hình tiêu biểu đăng ký tham gia Liên hoan phải được UBND quận, huyện xét chọn từ Liên hoan quận, huyện năm 2017 và gửi đăng ký tham gia Liên hoan cấp thành phố về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VHTTDL), kèm theo báo cáo thành tích, hình ảnh cụ thể. Trong tháng 7, Ban Giám khảo nghiên cứu nội dung báo cáo thành tích, theo dõi hoạt động của các mô hình. Sau đó, tiến hành khảo sát thực tế, chấm điểm các mô hình tại 9 quận, huyện vào tháng 8. Dự kiến, Lễ tổng kết và trao giải Liên hoan sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay.

So với Liên hoan lần thứ 1 vào năm 2016, Liên hoan lần này có một số điểm mới cụ thể như sau:

- Mô hình văn hóa tiêu biểu của các quận, huyện đăng ký tham gia Liên hoan cấp thành phố phải là mô hình đạt giải cao tại Liên hoan quận, huyện năm 2017. Mô hình “Người tốt, việc tốt”, “Gia đình văn hóa” và những mô hình đạt giải A trong Liên hoan thành phố năm 2016 không được đăng ký tham gia Liên hoan lần này.

- Thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Liên hoan được phân công công việc cụ thể bằng văn bản, về nội dung chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức Liên hoan; chấm điểm và nhận xét, đánh giá các mô hình, theo sự phân công của Trưởng Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, để phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên. Ban Giám khảo có thời gian (khoảng 01 tháng) để nghiên cứu nội dung báo cáo thành tích trước, theo dõi hoạt động của các mô hình, sau đó đi khảo sát thực tế để chấm điểm.

Đánh giá về việc duy trì chất lượng của các mô hình sau khi Liên hoan kết thúc và biện pháp để giám sát, góp phần nâng cao chất lượng cho các mô hình, ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan, cho biết:

- Qua Liên hoan, các địa phương có dịp giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng, nâng chất các mô hình văn hóa; nâng cao được nhận thức về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và trách nhiệm thực hiện phong trào này của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và quần chúng Nhân dân. Từ đó, chất lượng của các mô hình sau khi Liên hoan kết thúc được duy trì và nhân rộng.

            - Để góp phần nâng cao chất lượng mô hình văn hóa tại các địa phương, Sở VHTTDL – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào thành phố, đã tham mưu chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng phong trào như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo; đưa chỉ tiêu thực hiện phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Huy động mọi nguồn lực, nâng mức hỗ trợ từ ngân sách, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa cho các hoạt động phong trào. Quan tâm, triển khai thực hiện tốt công tác thi đua – khen thưởng; tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào. Đẩy mạnh các giải pháp về nghiệp vụ; bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện phong trào…
Lệ Thu
Các bài viết khác:
Hạt giống đỏ quê hương   (30/01/2020)
Thạnh Phú vững bước đi lên   (30/01/2020)
Bước đầu thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030”   (30/01/2020)
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019 – một năm nhìn lại   (30/01/2020)
QUYỂN SÁCH “DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”   (31/10/2019)
<<    1  2  3